
10 thông tin về Trường Bồ Đề ở Quảng Trị có thể bạn chưa biết
Di tích Trường Bồ Đề Quảng Trị là chứng tích của chiến tranh sau trận đánh lịch sử 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị trong công cuộc kháng chiến và chống Mỹ. Hầu hết tất cả nhà cửa ở thị xã Quảng Trị đều bị san bằng đi, riêng chỉ trường Bồ Đề là ngôi nhà duy nhất còn sót lại. Vậy, ngôi trường đặc biệt này có gì, hãy cùng tôi tìm hiểu đôi nét về ngôi trường cực kỳ đặc biệt này nhé.
Tìm hiểu đôi chút về Trường Bồ Đề Quảng Trị
So với các tỉnh trên khắp cả nước thì Quảng Trị lại là nơi bị tàn phá nặng nề nhất trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Cả thị xã Quảng Trị đã bị san thành các bình địa, Thành Cổ Quảng Trị là biểu tượng cho sự hy sinh quên mình của hàng nghìn lớp người. Đồng thời Thành Cổ Quảng Trị cũng đã trở thành một chứng nhân lịch sử từ cuộc chiến ở vùng đất cát trắng gió Lào này.
Trường Bồ Đề Quảng Trị được Hội Phật giáo Quảng Trị xây dựng vào năm 1959 bằng phong trào quyên góp gạo Bồ Đề từ đạo hữu và dân chúng. Vào năm 1972, cuộc chiến đấu của quân và dân ta để chống lại chiến dịch phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị của quân Mỹ – Ngụy đã diễn ra vô cùng khốc liệt. Trường Bồ Đề đã trở thành một trong những chốt chiến đấu cực kì quan trọng của quân ta, đã đánh trả hàng trăm đợt phản kích của địch. 81 ngày đêm liên tiếp với mức độ bom đạn tàn khốc đã gần như hủy diệt toàn bộ thị xã Quảng Trị, trường Bồ Đề là một trong những kiến trúc ít ỏi còn tồn tại đến ngày nay.

Lịch sử của Trường Bồ Đề Quảng Trị
Di tích quốc gia Trường Bồ Đề Quảng Trị nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Trong những năm đất nước còn chiến tranh đã có những giáo viên và học sinh âm thầm, bí mật làm cơ sở để hoạt động cách mạng, đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến quân địch thống nhất đất nước. Đến ngày hòa bình, chính những người học sinh ấy đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của rất nhiều đơn vị, ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Gần 20 năm tồn tại trong hành trình dài đằng đẵng của lịch sử Quảng Trị.
Trường còn là cơ sở cách mạng bí mật
Vào năm 1968, sau khi được mãn hạn tù lần thứ hai dưới chế độ miền Nam cũ, ông Lâm Công Lũy, người ở làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh đã được tổ chức bố trí cho vào hoạt động bí mật tại Trường Bồ Đề Quảng Trị với chức danh giám thị nhằm để xây dựng cơ sở cách mạng. Nhiệm vụ tổ chức giao cho ông khá nhiều, song ngay tại Trường Bồ Đề, ông Lũy làm hai công việc chính đó là kết nối các học sinh để bí mật xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong trường và lợi dụng sơ hở trong quản lí của nhà trường để chỉnh sửa năm sinh trong hồ sơ học bạ cho học sinh THPT như bây giờ về nhỏ hơn 18 tuổi để có thể hạn chế tối đa số học sinh bị chính quyền miền Nam cũ bắt đi lính.
Được thành lập vào năm 1956, Trường Bồ Đề Quảng Trị có hai cấp tương đương như trường THCS và THPT bây giờ, nơi đây đã đào tạo ra rất nhiều học sinh từ lâu đã sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng…Trong những năm chiến tranh, chính quyền miền Nam tăng cường bắt học sinh đi lính, thầy Lâm Công Lũy với tư cách Giám thị của trường đã nhận lệnh của tổ chức và sửa hàng trăm hồ sơ học bạ của học sinh để khỏi phải đi lính miền Nam. Vì theo quy định của chế độ miền Nam hồi đó, học sinh khi đang học lớp 11 nhưng đã 18 tuổi và thi trượt tú tài một thì phải đi lính ra mặt trận.

Vì không thể để con em chúng ta bị thất học và cầm súng đứng lên phản bội lại Tổ quốc, thầy Lâm Công Lũy đã bí mật vận động học sinh tìm cách trốn lính bằng rất nhiều hình thức như là đóng giả người già để quá tuổi đi lính hoặc chính tự thầy sửa năm sinh trong hồ sơ học bạ 3 đến 4 tuổi, đang học từ lớp 11 sẽ chuyển xuống học lớp 7 hoặc 8. Và để tránh bị phát hiện, thầy đã móc nối với tổ chức tại các trường khác gửi các học sinh của mình đến học nhằm che mắt chính quyền miền Nam cũ.
Anh Nguyễn Thế Kỷ, hiện đang sinh sống tại số 2, đường Trần Cao Vân, thị trấn Gio Linh, nguyên Chủ tịch Công đoàn Bưu điện huyện Gio Linh, anh là một trong hàng trăm học sinh được sửa hồ sơ học bạ, anh nhớ lại: “Tôi sinh năm 1954, đến năm 1972 thì tôi đúng 18 tuổi, vì chiến tranh loạn lạc nên tôi thất học, tuy rằng mới học đến lớp 9, nhưng đã đúng độ tuổi tôi phải đi lính. Trong lúc chính quyền miền Nam cũ đang ráo riết thực hiện lệnh tổng động viên, tăng viện quân lính để ra mặt trận. Không để cho học sinh nào bị bắt đi lính cầm súng bắn lại bà con, phản bội quê hương, thầy Lũy đã sửa hồ sơ học bạ cho tôi, làm mới lại cho tôi một bộ học bạ có mang tên Nguyễn Thế Kỷ sinh vào năm 1958. Chính nhờ như vậy, tôi được thoát đi lính miền Nam”.
Là di tích quốc gia quan trọng

Vì sao không ít những thầy và trò của trường Bồ Đề Quảng Trị dám hoạt động cách mạng bí mật giữa lòng địch nguy hiểm đến như vậy? Tìm hiểu câu chuyện sâu hơn, rất nhiều học sinh và thầy giáo của trường có xuất thân từ những gia đình cơ sở cách mạng, những gia đình có truyền thống cách mạng, hoặc các lãnh đạo cách mạng tin tưởng, đã gửi con em của mình vào học tại đây. Anh Sử Sơn, cựu học sinh của trường vào niên khóa 1967-1972, nguyên Giám đốc Bệnh viện Long Khánh, thuộc tỉnh Đồng Nai, có bố là ông Sử Phước, Phó Bí thư Thị ủy Quảng Hà trong những năm chiến tranh khốc liệt. Ông Phan Xuân Kiểu, nguyên là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, cựu học sinh trường, anh xuất thân từ gia đình cách mạng… Mỗi người từ một vùng quê khác nhau, mỗi người có một lối sống, vùng miền khác nhau, nhưng tình yêu quê hương, lòng trách nhiệm với Tổ quốc luôn luôn là động lực giúp cho nhóm hoạt động bí mật của trường đã góp hết sức mình tạo thành những ngọn lửa bùng cháy cách mạng ngay trong lòng địch.
Kết luận
Tuy năm tháng đã qua đi, mọi thứ đã dần đổi thay rất nhiều sau chiến tranh, tuy vậy ngôi trường Bồ Đề Quảng Trị vẫn ở đó, vẫn sừng sững, uy nghiêm, vẫn là một chứng nhân lịch sử vô cùng quan trọng và mang trong mình rất nhiều giá trị lịch sử. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về ngôi trường rất đặc biệt này, nếu có dịp ghé đến nơi đây, đừng ngần ngại đếm thăm ngôi trường thân thương này nhé.